Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, Điều dưỡng viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt để xử lý khéo léo các tình huống thường xuyên xảy ra trong quá trình làm việc. Dưới đây là các tình huống giao tiếp giữa Điều dưỡng và bệnh nhân cũng như cách xử lý để các bạn có thể tham khảo.
Mục Lục
10 tình huống giao tiếp giữa Điều dưỡng và bệnh nhân
Tình huống 1: Bệnh nhân từ chối uống thuốc hoặc sử dụng phương pháp điều trị theo chỉ định.
Cách xử lý: Điều dưỡng viên cần giải thích tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, cho họ thấy những hậu quả có thể xảy ra nếu không tuân thủ cũng như thuyết phục bệnh nhân sử dụng thuốc theo đúng phác đồ.
Tình huống 2: Bệnh nhân có hành vi hoặc lời nói xúc phạm Điều dưỡng.
Cách xử lý: Với trường hợp này, Điều dưỡng cần giữ thái độ bình tĩnh, đặc biệt không phản ứng lại. Bạn hãy lắng nghe người bệnh để tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi và xử lý vấn đề theo cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Tình huống 3: Bệnh nhân không muốn ăn uống dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Cách xử lý: Điều dưỡng viên tìm hiểu nguyên nhân khiến bệnh nhân bỏ ăn. Qua đó, khuyến khích người bệnh ăn uống và có thể thay đổi khẩu phần ăn sao cho phù hợp. Đồng thời bạn hãy phối hợp với chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn cho bệnh nhân hiểu về tác hại của việc không ăn uống và khích lệ họ.
Tình huống 4: Bệnh nhân không muốn hợp tác trong quá trình điều trị, tỏ thái độ khó chịu, cáu gắt.
Cách xử lý: Trong trường hợp này, Điều dưỡng cần thật sự bình tĩnh và tôn trọng cảm xúc của bệnh nhân. Bạn hãy tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng để tìm hiểu nguyên nhân người bệnh nổi nóng để từ đó đưa ra hướng giải quyết hợp lý nhất.
Tình huống 5: Bệnh nhân sau thời gian điều trị không thấy tình trạng cải thiện và tỏ thái độ khó chịu.
Cách xử lý: Điều dưỡng viên cần lắng nghe toàn bộ ý kiến đóng góp của bệnh nhân. Sau đó, giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh lý của họ, tiến trình điều trị và những bước tiếp theo cần làm. Bên cạnh đó, các bạn cần trấn an, xoa dịu tinh thần cho bệnh nhân cũng như phối hợp với Bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết.
Tình huống 6: Bệnh nhân yêu cầu điều trị hoặc chăm sóc theo một phương pháp khác không phù hợp, không hợp lý.
Cách xử lý: Điều dưỡng hãy lắng nghe mong muốn của bệnh nhân và từ đó tư vấn những phương pháp điều trị đúng đắn. Đồng thời, các bạn hãy giải thích lý do không thể đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân sao cho hợp lý nhất.
Tình huống 7: Bệnh nhân không hiểu rõ phương pháp điều trị và đặt nhiều câu hỏi.
Cách xử lý: Khi người bệnh thắc mắc về phương pháp điều trị, Điều dưỡng cần giải thích sao cho rõ ràng, dễ hiểu. Mục đích của việc này là đảm bảo bệnh nhân hiểu đúng về quá trình điều trị. Có như vậy, họ sẽ không còn lo lắng và nghi ngờ về quá trình điều trị và vui vẻ hợp tác chữa bệnh.
Tình huống 8: Bệnh nhân muốn biết thông tin chi tiết của Bác sĩ điều trị như số điện thoại, địa chỉ.
Cách xử lý: Trong tình huống này, Điều dưỡng viên cần từ chối khéo léo với người bệnh cũng như tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của Bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn có thể cung cấp những thông tin liên lạc cần thiết của bệnh viện cho họ.
Tình huống 9: Bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm, u uất và không muốn tiếp xúc với ai.
Cách xử lý: Nhận thấy các biểu hiện trầm cảm của bệnh nhân, Điều dưỡng viên cần theo dõi sát sao và thường xuyên giao tiếp cũng như khích lệ họ nói chuyện. Bên cạnh đó, các bạn cần động viên khích lệ tinh thần người bệnh và tạo môi trường thoải mái cho họ. Ngoài ra, Điều dưỡng có thể nhờ sự trợ giúp của người thân gia đình đồng thời thông báo cho các Bác sĩ để có phương pháp điều trị tâm lý phù hợp.
Tình huống 10: Bệnh nhân sợ hãi, lo lắng khi sắp phải thực hiện phẫu thuật.
Cách xử lý: Điều dưỡng nên tiếp xúc, an ủi bệnh nhân cũng như giải thích rõ ràng về quy trình phẫu thuật và những lợi ích của phẫu thuật. Từ đó, giúp bệnh nhân thoải mái và an tâm hơn trước khi vào phòng phẫu thuật.
Những điểm cần lưu ý trong giao tiếp giữa Điều dưỡng và bệnh nhân
Trong giao tiếp giữa Điều dưỡng và bệnh nhân cần lưu ý những điểm như sau:
- Điều dưỡng viên cần chủ động lắng nghe bệnh nhân để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ cũng như thể hiện sự quan tâm của mình đối với người bệnh. Điều này sẽ giúp mối quan hệ giữa Điều dưỡng và bệnh nhân trở nên gắn bó và thân thiết hơn tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chữa bệnh.
- Khi giao tiếp với bệnh nhân, Điều dưỡng cần sử dụng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu, tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn phức tạp. Luôn thể hiện thái độ tôn trọng và đồng cảm với người bệnh để tạo mối quan hệ tin cậy.
- Luôn tiếp nhận mọi phản hồi của bệnh nhân để từ đó điều chỉnh cách giao tiếp cũng như chăm sóc người bệnh sao cho phù hợp nhất.
- Dành sự quan tâm đồng đều và phù hợp đối với từng bệnh nhân riêng biệt để họ cảm nhận được sự chân thành và từ đó thoải mái chia sẻ với Điều dưỡng viên.
- Ngoài giao tiếp bằng ngôn ngữ, một Điều dưỡng viên có thể sử dụng nét mặt, cử chỉ hay tư thế của mình để truyền đạt các thông điệp tới bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, việc này còn mang lại giá trị tuyệt vời hơn cả lời nói.
Trên đây là các tình huống giao tiếp giữa Điều dưỡng và bệnh nhân mà Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổng hợp. Ứng xử giao tiếp khéo léo sẽ giúp Điều dưỡng viên thuận lợi hơn rất nhiều trong công việc. Các bạn hãy lưu lại để có thể áp dụng trong thực tế khi cần thiết.